Những điểm mới về quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa của lực lượng Công an nhân dân
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 56/2022/TT-BCA ngày 30/11/2022 quy định về quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa của lực lượng Công an nhân dân và có hiệu lực từ ngày 15/01/2023 và thay thế cho Thông tư số 58/2014/TT- BCA ngày 13/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm tra các phương tiện thủy
Thông tư gồm 03 chương 19 điều, quy định nguyên tắc, nội dung, điều kiện hoạt động; công bố lại, gia hạn, đóng, tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy nội địa của lực lượng CAND trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý cảng, bến thủy và hoạt động của người, phương tiện trong cảng, bến thủy, vùng nước cảng, bến thủy nội địa CAND.
Theo đó, nguyên tắc quản lý hoạt động cảng, bến thủy CAND phải tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Áp dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa CAND.
Đối với quy định về điều kiện hoạt động cảng, bến thủy CAND phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đảm bảo phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên tuyến, địa bàn; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở của Bộ Công an về cảng, bến thủy nội địa làm nhiệm vụ an ninh của lực lượng CAND; cảng, bến thủy khi hoạt động phải được cấp có thẩm quyền công bố hoạt động theo quy định.
Về xử lý tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy CAND cụ thể khi phát hiện tai nạn, sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho đơn vị quản lý, sử dụng cảng, bến thủy CAND để có biện pháp xử lý kịp thời; đơn vị được giao sử dụng cảng, bến thủy CAND có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, bến thủy CAND và xung quanh khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn; trường hợp phương tiện bị chìm đắm, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị chìm đắm phải đặt báo hiệu và báo cho chủ phương tiện tiến hành trục vớt theo quy định. Trường hợp chủ phương tiện không tiến hành trục vớt, đơn vị được giao quản lý, sử dụng cảng, bến thủy CAND tổ chức trục vớt, mọi chi phí trục vớt do chủ phương tiện chi trả.
Ngoài ra, Thông tư ban hành kèm theo các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý cảng, bến thủy CAND, gồm: Tờ khai đề nghị công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động cảng, bến thủy CAND (Mẫu số 01); Quyết định về việc (công bố, công bố lại, gia hạn, đóng, tạm dừng, ban hành nội quy) cảng, bến thủy CAND (Mẫu số 02); Sổ theo dõi quản lý hoạt động cảng, bến thủy CAND (Mẫu số 03).
----Phạm Hơn----