Luật Căn cước công dân (sửa đổi) góp phần phục vụ hiệu quả Đề án 06/CP, hoàn thành chuyển đổi số quốc gia
Cập nhật ngày: 9-03-2023
 
Việc xây dựng Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi với mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
 
Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật CCCD sửa đổi là: Quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ chương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về CCCD; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm phù hợp với chủ chương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân hiện nay và những năm tiếp theo; phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số; việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý CCCD; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ tùy thân của công dân; tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý Cơ sở dữ liệu CCCD, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về CCCD của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Dự thảo Luật CCCD sửa đổi đã được lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị địa phương và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đối với việc sửa đổi Luật nêu trên, dự thảo Luật CCCD sửa đổi có nhiều điểm mới chủ yếu sau:

- Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ CCCD; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này. Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Về thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ dân cư; đồng thời chỉnh lý mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án 06/CP.

- Về nội dung thể hiện trên thẻ CCCD, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp tại Luật CCCD hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.

- Về người được cấp thẻ CCCD, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiện, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy đinh Luật CCCD hiện hành.

- Về trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi và từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.

- Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD trong các giấy tờ nêu trên.
                                                      Văn Phút