Thông tư số 02/2023/TT- BGTVT, sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục của Thông tư cũ; trong đó có 2 nội dung đáng chú ý là miễn đăng kiểm lần đầu với xe ô tô mới và kéo dài chu kì kiểm định đối với một số loại phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo Khoản 1 Điều 1
Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, bổ sung quy định miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Xe ô tô mới được áp dụng miễn đăng kiểm lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 02 năm (năm sản xuất cộng 01 năm). Đồng thời, điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới (Phụ lục 05 của Thông tư) như: Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải thì chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng. Với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng. Đối với nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Sau khi đăng ký xe, chủ phương tiện không cần đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm nhưng vẫn cần mang giấy đăng ký xe, bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước, Bản cà số khung, số động cơ của xe đến các trung tâm này để lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhận tem kiểm định xe và nộp phí sử dụng đường bộ. Sau khi nhận tem kiểm định, chủ xe phải dán lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 1
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT bổ sung trách nhiệm của chủ xe như sau: Đối với trường hợp xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu, chủ xe phải dán tem kiểm định lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 9
Thông tư 16/2021/TT-BGTVT. Như vậy, trường hợp xe ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu thì chủ xe không cần mang xe đến đơn vị đăng kiểm mà chỉ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì sẽ được cấp tem kiểm định và tự dán tem kiểm định lên xe trước khi tham gia giao thông.
Theo Khoản 4 Điều 1
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định, trừ các trường hợp sau: Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu hoặc Tem kiểm định lần đầu của xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định bị mất thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu, Tem kiểm định lần đầu, chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật đến các đơn vị đăng kiểm khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT để được in lại 01 lần duy nhất Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm); Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định của xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu bị hư hỏng, có sự sai lệch so với thông tin của xe thì chủ xe mang Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT để đơn vị đăng kiểm rà soát, kiểm tra thông tin và để được in lại Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm). Hiện nay, tất cả các trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.