Từ 15/8/2023: Không nộp phạt giao thông sẽ không được đăng ký xe
Hiện nay có hàng ngàn phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đang được Cảnh sát giao thông Công an toàn tỉnh tạm giữ.
Việc tạm giữ số phương tiện này để đảm bảo chủ phương tiện hoặc người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đóng phạt đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều phương tiện đã quá hạn tạm giữ nhưng người vi phạm và chủ xe không đóng phạt để nhận lại phương tiện, điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.
Tại Công an thành phố Trà Vinh có hơn 500 phương tiện đang được Cảnh sát giao thông tạm giữ để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ của chủ phương tiện và người vi phạm. Tuy nhiên, theo thống kê của Cảnh sát giao thông Công an thành phố, hiện có hơn phân nữa số phương tiện đã quá hạn đóng phạt theo quy định. Đa phần những phương tiện này đều là xe mô tô, xe gắn máy đã cũ, hư hỏng, giá trị không cao. Việc người vi phạm không đóng phạt để phương tiện lưu kho thời gian dài gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành, khi lực lượng Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ phát hiện hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể phạt cảnh cáo, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ với các lỗi có mức phạt tối đa 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đối với tổ chức. Đối với các trường hợp vi phạm còn lại, Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cùng với việc tạm giữ giấy phép lái xe hoặc phương tiện vi phạm. Việc tạm giữ phương tiện vi phạm là cần thiết để đảm bảo người vi phạm nộp phạt đúng quy định. Trong thời gian bị tạm giữ, chủ phương tiện phải thanh toán chi phí giữ xe theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện thì có rất nhiều chủ xe không đóng phạt và bỏ phương tiện.

Số phương tiện vi phạm giao thông đang được tạm giữ tại Công an huyện Càng Long.
Đây là thực trạng không chỉ ở thành phố Trà Vinh mà còn diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại Công an huyện Càng Long, có gần 1.000 phương tiện vi phạm đang được tạm giữ như thế này... Số lượng xe ngày càng nhiều, nhất là những xe đã quá hạn đóng phạt trong khi sân bãi thì có giới hạn, điều này gây nhiều khó khăn trong việc quản lý phương tiện. Theo Cảnh sát giao thông, bên cạnh mức phạt cao so với giá trị của xe thì nguồn gốc xe không rõ ràng, không có giấy tờ hợp lệ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chủ xe không đóng phạt theo quy định. Công an huyện đã và đang tiến hành nhiều giải pháp để xử lý tình trạng này.
Thượng tá Lê Thanh Phong, Phó Trưởng Công an huyện Càng Long cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện đã tổ chức tuần tra và phát hiện, lập biên bản xử lý 1.372 trường hợp vi phạm, có 848 trường hợp người vi phạm đã thực hiện xong quyết định xử phạt, chiếm tỷ lệ 62%. Nếu tính số phương tiện từ năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Càng Long còn giữ 874 phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong số này có 308 phương tiện đủ điều kiện để tiến hành xử lý bán quá giá. Công an huyện Càng Long đã tiến hành họp hội đồng định giá, xác lập phương án quá giá, chuyển hồ sơ về Phòng Hậu cần để chuyển Cục Hậu cần, Bộ Công an cho chủ trương tiến hành xử lý số phương tiện này theo đúng quy định.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra tình trạng xe đang tạm giữ tại đơn vị.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh hiện đang tạm giữ phương tiện vi phạm nhiều nhất, với hơn 1.500 xe, trong số này, có gần 1.200 xe đã quá hạn đóng phạt trên 2 tháng. Hằng tuần, cán bộ quản lý phải tiến hành kiểm kê phương tiện, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đối với các phương tiện đã cũ nát, giá trị thấp, người điều khiển vi phạm các lỗi có mức phạt cao như vi phạm nồng độ cồn thì đa phần chủ phương tiện đều bỏ xe, không đóng phạt.
Theo Thượng tá Nguyễn Công Luận, Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thời gian qua, việc tạm giữ phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông được lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện quyết liệt và nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc tạm giữ phương tiện nhằm mục đích để xác minh các tình tiết, nếu không tạm giữ thì không có căn cứ để ra quyết định xử phạt; đồng thời, việc tạm giữ phương tiện là để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả lớn hơn cho xã hội và việc tạm giữ phương tiện cũng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện quyết định xử phạt. Về cơ bản, người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông chấp hành nghiêm việc tạm giữ và được nhận lại phương tiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng phương tiện tạm giữ tương đối nhiều làm quá tải các kho tạm giữ của đơn vị, gây khó khăn cho việc bảo quản và quản lý phương tiện, nguy cơ xảy ra mất an toàn khá cao. Về nguyên nhân tăng số phương tiện tạm giữ có nhiều nguyên nhân như Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm nên đầu vào của việc tạm giữ phương tiện tăng; bên cạnh đó, chủ phương tiện và người vi phạm vì nhiều lí do chưa đến thực hiện quyết định nộp phạt để nhận phương tiện. Đặc biệt, có một số chủ phương tiện và người vi phạm do phương tiện có giá trị thấp nên có tâm lý bỏ luôn phương tiện, không đến cơ quan để làm các thủ tục nộp phạt, nhận phương tiện. Để giải quyết các phương tiện tồn đọng quá tải tại các kho, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đang tiến hành phân loại, đối với các phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ nhưng còn thời hạn xử lý thì Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục thông báo cho chủ phương tiện hoặc người vi phạm đến để làm thủ tục nộp phạt và nhận phương tiện về theo đúng quy định. Đối với phương tiện đã hết thời hạn xử lý sẽ tiến hành các thủ tục để tịch thu phương tiện và tổ chức bán đấu giá để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt, đồng thời, giải quyết các phương tiện tồn đọng tại các kho đã quá tải.
Có thể thấy, việc chủ xe không đóng phạt diễn ra thường xuyên trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây và rất đáng quan tâm bởi những hệ lụy của nó gây ra; công tác xử lý đối với các phương tiện vi phạm quá hạn này mất rất nhiều thời gian. Quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chỉ mang lại hiệu quả cao nhất khi các hành vi vi phạm đều được phát hiện, xử lý nghiêm, trong đó có việc chấp hành nộp phạt. Nếu người vi phạm không nộp phạt đúng quy định thì sẽ không đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Nhiều người có suy nghĩ phương tiện mình điều khiển giá trị không cao, nếu vi phạm và bị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện thì sẽ không đóng phạt và mua xe khác để đi, lực lượng chức năng sẽ không quản lý được. Tuy nhiên, suy nghĩ này cần phải thay đổi, bởi theo khoản 15, Điều 3, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 15/8/2023, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa giải quyết đăng ký xe. Chỉ khi nào chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì mới được đăng ký xe theo đúng quy định. Thượng tá Nguyễn Công Luận, Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh nhấn mạnh, đây là quy định mới, người dân cần phải lưu ý, đặc biệt là đối với người có vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông để đảm bảo quyền của người đăng ký xe theo đúng quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, để góp phần cùng lực lượng chức năng kiểm soát tốt tình hình trật tự, an toàn giao thông, người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng thì phải tuân thủ việc đóng phạt để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cần có ý thức trong việc quản lý tài sản, tuyệt đối không được giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đạt Nhân