CÔNG AN TRA VINH
Sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật (sửa đổi)
Cập nhật ngày: 13-09-2023 | 15:39:45 GMT +7, lượt xem: 183
Dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện 2 dự thảo Luật vừa nêu. 

Ngày 13/11/2008 Luật giao thông đường bộ được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Thực tiễn khi triển khai thi hành, Luật Giao thông đường bộ không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, nếu tách Luật giao thông đường bộ thành 2 Luật Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ đạt được những hiệu quả nhất định. 

Một là, sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập về chính sách an toàn giao thông đường bộ. Những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên địa bàn cả nước tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao và nghiêm trọng. Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 01/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn. Lực lượng chức năng đã xử lý gần 66 triệu trường hợp vi phạm, trong đó, một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, như vi phạm nồng độ cồn hơn 1,39 triệu trường hợp, sử dụng chất ma túy hơn 6 nghìn trường hợp...; xảy ra 622 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT, làm 07 cán bộ hy sinh, 196 cán bộ bị thương. Riêng địa bàn tỉnh Trà Vinh xảy ra 1.432 vụ TNGT đường bộ, làm chết 986 người, bị thương 1.483 người, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Số người chết và người bị thương chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, nguyên nhân gây TNGT do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm hơn 90% số vụLực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 450 nghìn trường hợp vi phạm, trong đó một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn (hơn 100 nghìn trường hợp), sử dụng chất ma túy (hơn 150 trường hợp) và hơn 1.500 trường hợp không chấp hành. Theo thống kê, cơ quan chức năng hiện đang quản lý 808.792 xe (trong đó ô tô 23.713 xe; mô tô, xe máy 785.079 xe), tăng hơn 54 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.

Được biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.

Hai là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ ra tồn tại, hạn chế là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền. Một số dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ. Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông thiếu đồng bộ. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.
Ba là, khắc phục hạn chế, bất cập trong chính sách về vận tải đường bộ. Vận tải đường bộ đóng vai trò chủ đạo (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ tuy đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải.

Bốn là, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, đã xác định rõ: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, việc phân định, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGT đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ dẫn đến còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về TTATGT đường bộ như mục tiêu đề ra.

Theo thống kê, phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy, TNGT do 03 nguyên nhân chính (người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; đường sá không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tổ chức giao thông bất hợp lý). Hiện nay, người điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải, chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện và đường sá do cơ quan về kinh tế - kỹ thuật quản lý, nhưng không có chức năng bảo đảm an ninh, an toàn. Trong khi đó, cơ quan có chức năng bảo đảm an ninh, an toàn lại không quản lý các nội dung này, dẫn đến việc phòng ngừa TNGT khó đạt hiệu quả mong muốn. Thực tế hiện nay cho thấy, trong nhiều vụ TNGT, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Năm là, khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trước năm 2001, các quy định về TTATGT, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh 3 lĩnh vực khác nhau như an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải đường bộ.

Thực tiễn cho thấy, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng; nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường.

Sáu là, phù hợp với xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để đảm bảo sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy nhiều quốc gia xây dựng luật về an toàn giao thông (trật tự, an toàn giao thông), luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về xây dựng, vận hành đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic. Công ước viên mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về an toàn giao thông…

Từ những lý do trên, nếu tiếp tục kết cấu trong một Luật như hiện nay thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại nêu trên, sẽ có quá nhiều điều Luật, khó quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể các chính sách, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của Luật.

Như vậy, việc tách Luật giao thông đường bộ để xây dựng thành Luật Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
                Xuân Thảo

Các tin khác
  • Tin ảnh

  • 
  • 
    Đang online: 1
    Hôm nay: 6715
    Trong tuần: 6721
    Trong tháng 33726
    Tất cả: 6944354