CÔNG AN TRA VINH
Kết quả phòng ngừa, đấu tranh đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tháng 8/2022
Cập nhật ngày: 22-09-2022 | 16:27:57 GMT +7, lượt xem: 608
Trong tháng 8/2022, Công an tỉnh Trà Vinh đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), cơ quan Công an khởi tố 02 vụ, 02 bị can, tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự 270 cuộc, phát hiện, giải tán 62 điểm đánh bạc nhỏ, 15 nhóm thanh niên tụ tập đêm khuya, giáo dục tại chỗ 324 đối tượng; kiểm tra 72 cơ sở cho thuê lưu trú, tạm trú, 127 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, qua kiểm tra chưa phát hiện các hành vi liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT.
Tiếp tục thực hiện tốt Đề án của UBND tỉnh “Tăng cường công tác phòng ngừa đối tượng vi phạm pháp luật tại địa bàn cơ sở” trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời giáo dục, cảm hóa 236 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT, vận động thu hồi 5 vũ khí thô sơ, 01 súng tự chế, 238 viên đạn quân dụng; chủ động rà soát, bổ sung, thanh loại kịp thời đối tượng thuộc diện quản lý của Đề án. Từ đó, góp phần kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lực lượng Công an điều tra làm rõ và xử lý kịp thời, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
         
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nổi lên tình trạng các đối tượng vi phạm pháp luật sử dụng VK, VLN, CCHT có xu hướng gia tăng. Trong tháng, Công an các cấp đã điều tra làm rõ chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 01 vụ, 12 bị can trong vụ “Gây rối trật tự công cộng” và 01 vụ, 01 bị can trong vụ “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” xảy ra tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
         
Qua đánh giá, theo dõi hiện nay tình trạng VK, VLN, CCHT tồn tại ngoài xã hội còn nhiều, đặc biệt là các loại vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ... tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT. Việc tồn tại những vũ khí ngoài xã hội xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó:
         
- Phần vũ khí sót lại từ thời chiến tranh không được người dân giao nộp lại mà sử dụng vào mục đích riêng.
         
- Người dân ở một số nơi còn sử dụng vũ khí (súng hơi, súng săn tự chế...) để săn bắn động vật và sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá.
         
- Việc dễ dàng trao đổi mua bán VK, VLN, CCHT của các đối tượng phạm tội thông qua mạng xã hội (zalo, facebook...), từ các nguồn hàng được nhập lậu từ nước ngoài thông qua đường biên giới vào Việt Nam.
 
Hai nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn huyện Duyên Hải (Ảnh: Phạm Hơn)
         
Việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT là  hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, trường hợp sản xuất, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại VK, VLN, CCHT nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, tiền phạt thấp nhất từ 5.000.000 đồng và cao nhất đến 40.000.000 đồng, hành vi che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi sản xuất, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại VK, VLN, CCHT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, với số tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan VK, VLN, CCHT trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất các ngành, các cấp và Nhân dân thực hiện tốt một số nội dung sau:
         
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến bằng hình thức đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng tuyên truyền, các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, chế tài xử lý các đối tượng sử dụng VK, VLN, CCHT vi phạm pháp luật, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook) để người dân nắm, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tố giác tội phạm.
         
Thứ hai, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực thực hiện hiệu quả Đề án của UBND tỉnh về Tăng cường công tác phòng ngừa đối tượng vi phạm pháp luật tại cơ sở” trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền cán bộ, hội viên, đoàn viên nắm về các hành vi vi phạm liên quan VK, VLN, CCHT, để chủ động phòng ngừa, phối hợp cảm hóa, giáo dục các đối tượng đạt hiệu quả theo Đề án.
         
Thứ ba, cơ quan chức năng cần xác định cụ thể trách nhiệm được phân công quản lý tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá, hành khách, dịch vụ bưu chính để kịp thời phát hiện các trường hợp vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật.
         
Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT ở cơ sở, trong đó tập trung xử lý nghiêm đối tượng tụ tập đêm khuya uống rượu bia gây mất ANTT, điều khiển xe mô tô có biểu hiện vi phạm pháp luật,… nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật
           
Thứ năm, mọi người dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm tích cực phát hiện, tham gia tố giác, vây bắt tội phạm, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT; nắm rõ các quy định của pháp luật về VK, VLN, CCHT, không thực hiện các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán, sử dụng trái phép vũ khí. Tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng để tránh vi phạm pháp luật, cũng như góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương./.
Phạm Nghĩa
Các tin khác
  • Tin ảnh

  • 
  • 
    Đang online: 1
    Hôm nay: 4605
    Trong tuần: 19618
    Trong tháng 139290
    Tất cả: 6308440