CÔNG AN TRA VINH
Nhận diện việc rao bán tiền giả trên mạng xã hội và tác động, ảnh hưởng từ tình hình tội phạm
Cập nhật ngày: 1-03-2023 | 14:50:43 GMT +7, lượt xem: 154
Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ thông tin và viễn thông cũng đem lại nhiều tác hại không nhỏ đối với xã hội, nó trở thành công cụ giúp cho các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước ta cũng như thực hiện các tội phạm khác, trong đó có tội phạm liên quan đến tiền giả.
         
Tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả là tội phạm rất nguy hiểm, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý tiền tệ, gây ra nhiều hệ quả phức tạp, từ việc làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ, gây ra những xáo trộn về tình hình an ninh trật tự… Mặc dù thời gian qua, Nhà nước, Bộ Công an và các lực lượng chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm kiểm soát, đẩy lùi nhưng số lượng, tính chất của tội phạm này chưa giảm và đang có những diễn biến phức tạp, thậm chí hiện nay, việc rao bán tiền giả điwợc đối tượng công khai trên mạng Internet, Facebook, Zalo… Chỉ với vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng các trang mạng xã hội dễ dàng tìm ra rất nhiều tài khoản đăng dòng quảng cáo rao bán tiền giả, các tài khoản này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có số điện thoại mà chỉ trao đổi với “khách hàng” qua mạng. Nguồn gốc tiền giả phần lớn được chuyển từ nước ngoài vào, gần đây, để giảm chi phí, các đối tượng trong nước đã tự làm và rao bán qua mạng.

Tiền giả thu được khi đối tượng đang tiêu thụ
 
Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Trà Vinh đã thụ lý, điều tra 04 vụ án liên quan đến tiền giả, có 01 vụ mua qua mạng xã hội. Riêng trong năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã điều tra, xử lý 01 đối tượng có hành vi “Lưu hành tiền giả”, thu 03 tờ tiền giả, mệnh giá 500.000đ, sau đó, Tòa án nhân dân huyện Càng Long xét xử, tuyên phạt 04 năm tù giam. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh đã thu 35 tờ tiền giả, có các mệnh giá 100.000đ, 200.000đ, 500.000đ, tổng giá trị 12.400.000đ trong quá trình giao dịch với khách hàng.
 
Thủ đoạn của tội phạm này rất tinh vi thường nặc danh, ẩn danh, chống truy vết hòng đối phó với cơ quan chức năng. Phần lớn, đối tượng có trình độ hiểu biết, thông thạo về công nghệ thông tin, chúng triệt để khai thác, sử dụng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội.

Từ tình hình trên, để góp phần chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm này, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ  theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Khi phát hiện tiền giả và các hành vi như: làm, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả, đề nghị thông báo kịp thời cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Trà Vinh qua số điện thoại: 069. 3729.118 hoặc liên hệ trực tiếp  Cơ quan Công an gần nhất để tiếp nhận và xử lý; đồng thời, giao nộp tiền giả cho các cơ quan nêu trên hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
                                                         Dương Thanh Phong

Các tin khác
  • Tin ảnh

  • 
  • 
    Đang online: 1
    Hôm nay: 1723
    Trong tuần: 1
    Trong tháng 32754
    Tất cả: 5510901