Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” để chống Đảng, Nhà nước
Cập nhật ngày: 29-09-2022
 
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục đưa ra những quan điểm sai trái đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó, luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang được chúng xác định là nội dung trọng tâm để chống phá Đảng, Nhà nước.
 

“Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là một trong những mục tiêu, nội dung của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay. Đây là một thủ đoạn không mới, nhưng cực kỳ nguy hiểm. Thủ đoạn trên đã được các nước đế quốc và các thế lực thù địch thực hiện thành công ở Đông Âu, Liên Xô, để lại hậu quả vô cùng đau xót cho nhân loại tiến bộ và tương lai của chủ nghĩa xã hội. 
 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến một loạt nước xã hội chủ nghĩa bị rơi vào cái bẫy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế giăng ra. Ở Liên Xô, sau khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, chấp nhận đa nguyên, đa đảng và sau đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với quân đội, an ninh, nội vụ, làm cho quân đội Xô viết, cơ quan an ninh, nội vụ Xô viết bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô vào cuối năm 1991. 
 

Ở Việt Nam hiện nay, lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, các thế lực thù địch tìm cách khoét sâu các mặt tồn tại, yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước, những khó khăn về đời sống và một vài vụ, việc vi phạm kỷ luật đơn lẻ của một số cán bộ, chiến sĩ, đơn vị trong lực lượng vũ trang để khuyến khích lực lượng vũ trang từ bỏ trách nhiệm bảo vệ Nhà nước và chế độ, đồng thời vu cáo lực lượng vũ trang không còn mang bản chất giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, chúng còn viết bài xuyên tạc, bôi nhọ bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, gây mất ổn định chính trị nội bộ; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Quân đội và Công an; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị trọng đại của đất nước có lực lượng Quân đội và Công an tham gia, nhằm làm mất uy tín, vị thế, vai trò của hai lực lượng này trước Nhân dân, trong xã hội và trên trường quốc tế. Thâm độc hơn, các thế lực thù địch còn thực hiện các thủ đoạn tạo mối nghi ngờ, hiềm khích, gây chia rẽ Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, lực lượng vũ trang với các cơ quan Đảng, Nhà nước... 
 

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 66 khẳng định: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” và Điều 67 khẳng định: “Nhà nước xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định rằng, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hai lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. 
 

Để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
 

Thứ nhất, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, Công an là một nguyên tắc đã được Đảng ta khẳng định nhất quán trong các văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.160-161). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải luôn chủ động đấu tranh, lên án, bác bỏ mọi mưu đồ “phi chính trị hóa” hòng vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang.
 

Thứ hai, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, giáo dục lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Làm tốt công tác tư tưởng, nhất là trong quản lý cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt chú trọng ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.  
 

Thứ ba, các lực lượng chức năng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần nâng cao hiệu quả các hình thức đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Có thể trực tiếp sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp công tác, thường xuyên rà soát, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung chống phá, các đối tượng viết bài (có tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên các trang web, blog, diễn đàn để xác định đối tượng sở hữu, quản lý, viết bài và đề xuất biện pháp đấu tranh, xử lý. 
 

Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh, cả trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. 
 

Thứ tư, thông qua công tác nắm tình hình, lực lượng Quân đội và Công an cần thường xuyên đổi mới phương thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch. 
 

Tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... để trao đổi thông tin, định hướng công tác tuyên truyền; quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra, gửi yêu cầu các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới để gỡ bỏ các thông tin xấu, gây phương hại đến quốc phòng, an ninh. 
 

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong mọi giai đoạn cách mạng.
 

                                        -----Nguyễn Anh Thoại-----