CÔNG AN TRA VINH
Những quy định của Pháp luật Việt Nam về đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân
Cập nhật ngày: 15-10-2019 | 16:03:20 GMT +7, lượt xem: 475
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các quyền con người được pháp luật bảo đảm thực hiện và được bảo vệ không bị xâm phạm. Ghi nhận và tổ chức bảo đảm quyền con người trên thực tế là thể hiện của một Nhà nước tiến bộ, dân chủ, văn minh. Các quyền con người được bảo đảm thực hiện trong việc ghi nhận về pháp lý, trong hoạt động thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm thực hiện quyền con người không chỉ là nội dung, bản chất mà còn trở thành mục tiêu cao nhất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở các quốc gia.
Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Hiến pháp năm 2013) đều đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân được quy định tại Điều 14 và Điều 20 của Hiến pháp.

Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định”[1]. Theo Công ước thì mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn về cá nhân. Các quyền này được pháp luật bảo vệ, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng không có quyền tước đi các quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân của con người, nếu không có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp quy định. Đồng thời, cũng tại Công ước này quy định: “Những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người”[2]. Theo đó những người dù đã bị pháp luật tước đi quyền tự do của họ (vi phạm pháp luật) nhưng quyền con người như nhân phẩm, danh dự của họ vẫn được luật pháp tôn trọng và bảo vệ.

Việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa người cai nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm mục đích cai nghiện, giáo dục đối với người nghiện ma túy để hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính bằng các phương thức, biện pháp khác nhau. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là thực hiện bằng các quy định pháp luật đúng đắn, hợp lý, cho việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện đảm bảo quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đối với người cai nghiện ma túy theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên Hiệp quốc. Cụ thể là:

Tại khoản 1, điều 95 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Quy định này thì những cá nhân mặc dù bị cưỡng chế đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thông qua thủ tục xét xử của Tòa án, nhưng họ vẫn chưa bị xem là tội phạm và cũng” không phải là tội phạm” mà đây chỉ gọi là ‘biện pháp xử lý hành chính[3]. Với mục đích để những người nghiện ma túy có thể chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do vậy họ vẫn còn các quyền công dân được pháp luật bảo hộ như quyền được chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề hoặc thể hiện cơ bản nhất của quyền công dân của họ được pháp luật bảo vệ là quyền được bầu cử. Từ đó, cho thấy trong việc áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay vẫn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về quyền con người và quyền công dân theo luật định.

Luật xử lý vi phạm hành chính ra đời năm 2012 có một số thay đổi theo hướng bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hơn, cụ thể như:

Thứ nhất, đã đổi tên biện pháp “đưa vào cơ sở chữa bệnh” thành “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” để đảm bảo phù hợp với đối tượng bị áp dụng và biện pháp này chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy. Đồng thời quy định “đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” có chuyển biến cơ bản, từ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thông qua quyết định mang tính thủ tục hành chính do UBND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định thì hiện nay được chuyển sang thủ tục thụ lý, xem xét và phán quyết của một cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là Tòa án nhân dân[4]. Do trước đây theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp xử lý “đưa vào cơ sở chữa bệnh” nay là “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” được áp dụng theo thủ tục hành chính, nghĩa là áp dụng không thông qua thủ tục xét xử của Tòa án, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Có thể nói rằng, bằng cách làm và với quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ và chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như hiện nay đã thể hiện sự đúng đắn trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thể hiện đúng theo tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “ Nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất hoặc cả hai khi một người sử dụng ma túy lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ ma túy. Tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc đương sự luôn cảm thấy bức bách phải dùng ma túy để thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma túy”. Điều này có nghĩa nghiện ma túy là một bệnh lý và hiện nay thế giới đã nhìn nhận vấn đề này bằng một quan điểm hiện đại và hợp lý hơn, cho rằng “nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ”, do đó cần phải kiên trì điều trị thường xuyên, trong nhiều năm hoặc thậm chí người nghiện ma túy có thể phải sống chung với một phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy nào đó. Vì vậy để giải thoát người nghiện khỏi tình trạng “lệ thuộc vào ma túy”, giải pháp quan trọng đầu tiên là phải giúp họ cai nghiện. Đồng thời muốn cai nghiện thành công thì cần có giải pháp cách ly được người nghiện hoàn toàn với môi trường có ma túy hay nói cách khác là cách ly họ khỏi cộng đồng trong một thời gian nhất định, đó là bằng cách áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhằm mục đích đầu tiên là chữa bệnh cho họ, giúp họ được tiếp cận và điều trị thường xuyên với các phác đồ điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, truyền nhiễm,… mà bên ngoài họ không có điều kiện, ý chí, sự quyết tâm để thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Thực tế cho thấy, các hành vi mất kiểm soát của người nghiện ma túy gây ra cho xã hội khi họ lên cơn “đói thuốc”, đáng kể nhất là phát sinh tội phạm do đối tượng này gây ra. Chính vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, các chế độ hỗ trợ, chế độ chính sách cho các đối tượng trong các cơ sở cai nghiện ma túy đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cải thiện, nâng cao, cụ thể định mức tiền ăn hàng tháng của học viên được đảm bảo, có chế độ ăn thêm, chế độ ăn đối với học viên bị ốm; hỗ trợ các vật dụng cá nhân như chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân,… Ngoài các chế độ trên người cai nghiện ma túy còn được hỗ trợ hoàn toàn chi phí điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe, các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ chi phí học nghề, học văn hóa, sinh hoạt văn thể và các hoạt động trị liệu khác tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Thứ tư, quy định thời gian lao động trị liệu đối với học viên, thời lượng 04 giờ/ngày và học viên được nghỉ lao động trị liệu trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật. Không tổ chức cho học viên lao động trị liệu trong thời gian cắt cơn, giải độc và học viên được phân công lao động trị liệu phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính. Việc tổ chức lao động trị liệu nhằm cải thiện sức khỏe, cải thiện cuộc sống, nếu có thành quả lao động thì đóng góp vào cuộc sống hàng ngày của họ, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Cơ sở thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao. Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy mọi người dân Việt Nam “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, từ trẻ em đến người già tham gia lao động trong gia đình, đến các chiến sĩ ở hải đảo, biên giới cũng phải tham gia vào công việc tăng gia, lao động sản xuất, theo truyền thống từ khi lập nước đến nay mọi công dân Việt Nam ở bất kể đâu đều phải tham gia lao động. Từ đó, cho thấy với quy định đưa người vào cơ sở cai nghiện dù tự nguyện hay bắt buộc đều được tham gia lao động trị liệu.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam quy định áp dụng biện pháp đưa người cai nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian qua luôn đảm bảo quyền con người, quyền công dân và hoàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Công ước tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên Hiệp quốc./.
 

[1]Khoản 1, điều 9, Công cước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
[2]Khoản 1, Điều 10, Công cước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
[3]Căn cứ khoản 3, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
[4] Căn cứ khoản 2 điều 102 của Hiến pháp năm 2013 Nước CHXHCN Việt Nam.
 
Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Trà Vinh

Các tin khác
  • Tin ảnh

  • 
  • 
    Đang online: 1
    Hôm nay: 4216
    Trong tuần: 19229
    Trong tháng 138901
    Tất cả: 6308051